CHIA SẺ

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH HẠI CHANH BÔNG TÍM

Chanh Bông Tím một Giống Chanh dễ trồng, dễ chăm sóc cho năng suất cao và đặc biệt có sức sinh trưởng nhanh, sức đề kháng tốt, ít bị sâu bệnh gây hại. Song cũng không vì thế mà Bà con trồng Chanh Bông Tím chủ quan mà không phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho cây nhé!


Phòng trừ sâu bệnh hại Chanh Bông Tím

Sâu gây hại Cây Chanh Bông Tím

Sâu Chích Hút (như Bọ Xít, Rầy, Rệp): Những loại sâu này thường sinh sôi nảy nở bám vào lá Chanh khiến lá bị xoăn, gây bệnh vàng lá. Ngoài ra chúng chích quả Chanh làm quả thối nhún.

Biện pháp phòng trừ: Bà con cần thường xuyên kiểm tra vườn, tỉa bớt cành nhánh để cây sinh trưởng tốt và hạn chế sự lây lan của Rầy, Rệp. Khi phát hiện cần dùng tay bắt giết hoặc phun Bi58 0,05-0,1%, Basa 0,2%.

Sâu Bùa Vẽ: Gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7,8,9. Sâu non đục phá lá ở dưới phần biểu bì, ăn phần mô mềm. Sâu đi tới đâu biểu bì phồng lên tới đó, vẽ thành những đường ngoằn ngoèo nên được gọi là vẽ bùa, các lằn đục của sâu không bao giờ gặp nhau. Các lá bị Sâu Vẽ Bùa gây hại thường bị co rúm lại và biến dạng nhất là những lá non, làm giảm diện tích quang hợp và làm giảm khả năng sinh trưởng của các chồi non. Ngoài ra các đường đục của Sâu Vẽ Bùa còn tạo điều kiện cho vi khuẩn Xanthomonas campestris xâm nhập gây bệnh loét, làm lá bị rụng.

Biện pháp phòng trừ: Bà con phun Padan 95WP nồng độ 0,05-0,1%, hoặc dùng hỗn hợp 20ml Decis 25EC+1 lít Bi58 rồi pha loãng với nước nồng độ 0,05-0,07% để phun.

Nhện Trắng: Thường tạo vết rám, xạm trên Chanh, làm giảm giá trị thương phẩm. Vết hại có màu vàng bạc hay chì màu da xạm giống như màu da cá mập và lan rộng ra khắp bề mặt quả, thỉnh thoảng vết xạm giống như màu đồng thiếc, quả thấp trên cây thường bị hại nặng đầu tiên

Chúng có mức độ gây hại phổ rộng trên các nhóm lá rộng, cây cảnh và cỏ. Ẩm độ mùa hè là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.

Biện pháp phòng trừ: Bà con cần bón phân cân đối, tưới nước hợp lý, chăm sóc cho cây khỏe, tăng sức chống chịu, cắt tỉa cành tạo tán cho vườn thông thoáng. Tiến hành tưới nước theo kiểu phun mưa để rửa trôi một phần Nhện nhỏ trên các bộ phận của cây.

Tiêu diệt Nhện Trắng bằng cách phun lưu huỳnh bột 20-25kg/ha hoặc Zineb 0,3-0,5%. Nhện Đỏ: Phun Polytrin 40EC nồng độ 0,1%, Supracid 40EC 0,2%.


Sâu gây hại Cây Chanh Bông Tím

Sâu đục thân, cành: Sâu non đục từ vỏ vào bên trong thân, cành lớn tạo thành đường đục. Đường đục thường hướng về phía gốc cây. Cách một đoạn sâu lại đục một lỗ xả phân ra ngoài. Khi quan sát thân cây có thể thấy các lỗ này. Những lỗ mới gần vị trí sâu non nhất có mùn cưa (phân sâu) mới thải ra có màu sáng. Cây Chanh bị hại sẽ sinh trưởng kém, còi cọc, quả hay bị rụng, quả nhỏ, chất lượng kém. Cành cây dễ bị gãy khi gặp gió bão. Bị hại nặng, thì cả đoạn cành hoặc cả cây có thể bị chết.

Mức độ lây lan của nhóm này rất nhanh, có thể dẫn đến huỷ diệt cả vườn cây lớn nhưng rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, thân, gốc cây thuốc hóa học không thể thấm vào bên trong được vì vậy việc phun thuốc hóa học rất ít có hiệu quả.

Biện pháp phòng trừ: Kiểm tra vườn thường xuyên, sau khi thu hoạch, quét vôi hoặc Boóc-đô (pha tỉ lệ: 1 phần CuSO4 + 1 phần vôi tôi + 20 phần nước) vào gốc cây, thân cây từ 1m trở xuống để phòng các loại nấm bệnh và hạn chế việc đẻ trứng của các loại xén tóc.

Khi phát hiện cần bắt giết xén tóc, bẻ cành chớm héo, lấy giây mây bắt sâu non. Bà con có thể sử dụng các loại thuốc hóa học Dipterec 0,1- 0,2%, nên thêm 1.2 chén rượu trằng cho 1 bình 10 lít, Sherpa 25EC 10-15ml/bình 10lít, Bi 5850EC pha 20–25ml/ bình 1 lít. Các loại thuốc trên phun đều trên tán cây, phun vào tháng 4 – 6 nhằm diệt sâu non mới nở trước khi đục vào thân cành.

Bệnh gây hại Cây Chanh Bông Tím

Bệnh Đốm Đen, Bệnh Loét, Ghẻ: Gây hại trên vỏ quả, làm cho vỏ quả vàng nhanh, hạn chế chất lượng hoặc rụng hàng loạt trước khi thu hoạch.


Bệnh gây hại Cây Chanh Bông Tím

Biện pháp phòng trừ: Bà con có thể phun Zineb 0,5%, oxy clorua đồng 0,3-0,5%, Maneb 0,3-0,5%.

Bệnh Phấn Trắng: Bệnh thường gây hạn vào giai đoạn quả non, bệnh do nấm gây ra, bệnh phát sinh phát triển làm cho cây bị rụng lá, rụng hoa, quả trơ lại cuống phủ đầy nấm phấn trắng, bệnh nặng có thể làm chết cây.

Biện pháp phòng trừ: Bà con phun Topsin M nồng độ 0,075-0,1%, lưu huỳnh bột (20-30kg) trộn với (7- 10kg) vôi bột để phun cho 1ha. Đối với những vườn đã bị nhiễm bệnh cần phun phòng từ lúc cây ra các đợt lộc xuân và thời kỳ quả non, sử dụng thuốc Anvil hoặc lưu huỳnh vôi… để phun phòng từ 1-3 lần, 7-10 ngày phun 1 lần.